Tự động hóa hệ thống kho vận là vấn đề của nhiều doanh nghiệp sản xuất. Trước sức ép chi phí nhân công ngày càng tăng, cạnh tranh ngành gay gắt, việc sử dụng lao động cho các công việc vận chuyển lặp đi lặp lại là rất lãng phí.
Đưa các thiết bị vận chuyển tự động thay thế cho lao động truyền thống và điều chuyển nhân công vào công việc có giá trị cao hơn được coi là giải pháp hữu hiệu cho bài toán trên. Nhờ đó doanh nghiệp có thể tối ưu hóa sản xuất, giảm tắc nghẽn và lên kế hoạch vận chuyển hiệu quả hơn.
Hiện tại AGV (Automated Guided Vehicle) vẫn được sử dụng nhiều cho nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa tự động trong nhà máy, giữa các công đoạn sản xuất hoặc các kho hàng.
Robot di động tự động AMR (Autonomous Mobile Robot) là phương tiện vận chuyển tự động mới được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, linh hoạt và hiệu quả hơn về chi phí. Chính điều này đang dần thách thức vị trí của AGV truyền thống. Mặc dù cũng được sử dụng để vận chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác, tuy nhiên AGV và AMR vẫn có nhiều điểm khác biệt.
1. KHẢ NĂNG ĐIỀU HƯỚNG
AGV thường có các cảm biến (từ tính hoặc quang điện) gắn trên bo mạch và chỉ có thể di chuyển theo các đường dẫn đơn giản được lập trình trước. Để định hướng, chúng cần được chỉ dẫn bởi băng dẫn từ, băng quang, thẻ in mã QR … Doanh nghiệp sẽ tốn kém thêm chi phí khi muốn mở rộng hay thay đổi về đường dẫn. Trên đường di chuyển được định sẵn, AGV có thể phát hiện vật cản ở trước nó (vật cản nằm trên đường di chuyển), nhưng không thể điều hướng để tránh chướng ngại vật. AGV sẽ dừng lại khi gặp chướng ngại vật và chỉ có thể tiếp tục di chuyển khi vật cản đó được loại bỏ.
Ngược lại, AMR điều hướng thông qua các bản đồ. Bản đồ đó được phần mềm số hóa từ không gian thực tế của nhà xưởng, hoặc bản đồ được đưa trực tiếp vào bộ nhớ của AMR. Khả năng của AMR được so sánh với ô tô được gắn định vị GPS và sử dụng bản đồ được tải sẵn. Khi biết vị trí các điểm đến và sơ đồ nhà xưởng, AMR sử dụng dữ liệu từ camera, máy quét laser, các cảm biến được tích hợp và phần mềm điều khiển để tự xây dựng đường đi hiệu quả tới điểm đích. Khi gặp vật cản trên đường di chuyển, bằng cách sử dụng các thuật thoán điều khiển kết hợp với xử lý các dữ liệu thu về từ các cảm biến, AMR sẽ tính toán đưa ra đường đi mới tốt nhất để vòng (vượt) qua chướng ngại vật phía trước và tiếp tục di chuyển đến đích. Điều này góp phần tối ưu hóa năng suất vận chuyển, đảm bảo đúng tiến độ vận chuyển hàng hóa trong nhà máy.
2. TÍNH LINH HOẠT
Hệ thống điều khiển AMR được xây dựng trên các hệ điều hành phức tạp, nó linh hoạt và thông minh hơn các thuật toán điều khiển của AGV. AGV bị giới hạn di chuyển theo đường dẫn định sẵn được lắp đặt trên sàn. Điều này có nghĩa, khả năng ứng dụng AGV kém hơn và chỉ có thể làm 1 nhiệm vụ được đặt trước trong suốt quá trình hoạt động của nó. Việc thay đổi về đường dẫn sẽ phát sinh chi phí và kéo theo thời gian làm việc bị gián đoạn.
AMRs chỉ cần sử dụng phần mềm để thay đổi đường đi, thay đổi tác vụ, do đó cùng một robot có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau tại các địa điểm khác nhau, tự động điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu sản xuất và môi trường thay đổi.
Khi nhiệm vụ được thiết lập, nhân viên không phải mất thời gian điều phối công việc của robot. Do vậy, họ có thể tập trung vào công việc có giá trị cao góp phần đem lại lợi nhận cao hơn cho công ty.
3. MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC
AMR phù hợp với môi trường sản xuất hiện đại đòi hỏi sự linh hoạt cao trong việc thay đổi dây chuyền để đáp ứng sản xuất sản phẩm mới. AMR có khả năng thích ứng để sản xuất nhanh trong bất kỳ quy mô sản xuất nào. Khi có thay đổi về vị trí đặt máy móc hoặc điểm nhận – trả hàng, một bản đồ di chuyển mới cho AMR có thể được cài đặt lại nhanh chóng trên phần mềm.
Thay vì bị hạn chế bởi cơ sở hạ tầng như AGV, người dùng có thể dễ dàng tự triển khai lại các hoạt động cho robot khi nhu cầu kinh doanh phát triển, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa sản xuất ngay cả trong môi trường phức tạp.
4. CHI PHÍ
Mặc dù AMR sở hữu công nghệ hiện đại hơn AGV, nhưng nó vẫn được coi là giải pháp hiệu quả về chi phí trong dài hạn. Trái với AGV, AMR không tốn thêm chi phí khi có thay đổi về đường dẫn (chi phí băng từ và sữa chữa mặt sàn…). Do đó, việc thiết lập và chạy AMR nhanh hơn, ít tốn kém, đồng thời không làm gián đoạn quá trình sản xuất. AMRs giúp thu hồi vốn đầu tư (ROI) nhanh đáng kể – thường trong vòng chưa đầy sáu tháng. Khi doanh nghiệp phát triển, việc triển khai AMR có thể mở rộng với chi phí bổ sung tối thiểu.